Loading...
Skip to main content

DÂN VẬN TRONG CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT CÁC LOẠI VỤ ÁN CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

(05/07/2022 10:00)

Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận thấy và luôn đánh giá cao vai trò, sức mạnh của nhân dân, Người khẳng định: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, Khó trăm lần dân liệu cũng xong” Người đặc biệt coi trọng công tác dân vận: "...Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công".

Công tác dân vận được xem là công việc (hay còn gọi là nhiệm vụ chính trị) của các tổ chức đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị -xã hội cần phải làm tròn trước Đảng và nhân dân. Rất nhiều các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương các khóa cũng thường xuyên chỉ rõ: “Các cấp ủy từ Trung ương đến cơ sở phải nắm vững và làm đúng chức năng lãnh đạo của mình bằng phương pháp dân chủ, kiên quyết khắc phục tình trạng bao biện công việc của Nhà nước, của các đoàn thể quần chúng”.

https://e.baonghean.vn/wp-content/uploads/2019/10/BaibaoDanvancuaBacHo-a4.jpg

Ảnh Internet

Công tác dân vận có vai trò rất quan trọng trong quá trình tạo ra sự đồng thuận xã hội. Bởi vì: Trong công tác dân vận Đảng ta luôn nhất quán tư tưởng "dân là chủ", "dân làm chủ", vì vậy, trong quá trình hoạt động đội ngũ làm công tác dân vận phải làm cho các tầng lớp nhân dân, các cộng đồng, các nhóm trong xã hội xác định được vai trò của mình trong đời sống chính trị.

Muốn nhân dân đồng thuận, nhất trí, đoàn kết, thúc đẩy tính tích cực chính trị của nhân dân thì trước hết phải quan tâm đến lợi ích của họ. Phải lấy lợi ích thiết thân của người lao động làm cơ sở để xây dựng chủ trương, chính sách, xây dựng và phát triển đất nước, bởi vì lợi ích là cái gắn bó người ta lại với nhau, là động lực thúc đẩy mọi hành động của nhân dân.

Khi nhân dân đã hiểu đúng, hiểu đầy đủ thì sẽ tạo được sự tự giác trong thực hiện, đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Chính sách đúng, cơ chế phù hợp còn là yếu tố quan trọng của Nhà nước, của cơ quan chính quyền trong việc phục vụ nhân dân và phát huy sức mạnh toàn dân.

Công tác dân vận không chỉ là sự "tuyên truyền", "vận động "…mà công tác dân vận còn nhằm phát huy các sáng kiến, sáng tạo từ phía quần chúng nhân dân, "Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra". Chính vì vậy, công tác dân vận trong hoạt động xét xử, giải quyết các loại án của Tòa án là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Đối với hoạt động xét xử của Tòa án, công tác dân vận có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giáo dục, thuyết phục và phổ biến tuyên truyền pháp luật cho nhân dân. Lời dạy của Bác đối với Tòa án: “Xét xử đúng là tốt nhưng không phải xét xử lại càng tốt hơn...”và người cán bộ Tòa án cần phải gần dân, hiểu dân, giúp dân và học dân” vẫn luôn là sự chỉ đạo, dẫn đường cho công cuộc xây dựng và hoàn thiện một hệ thống Tòa án thân thiện, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mọi công dân, tổ chức và cá nhân.

Trong đời sống thực tế của cộng đồng dân cư, tranh chấp và khiếu kiện luôn luôn và lúc nào cũng xảy ra, nếu không kịp thời hòa giải thì các chủ thể tranh chấp có thể phạm pháp. Vì vậy, với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thực hiện “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, Tòa án nhân dân cần vận dụng phương thức “Dân vận” trong quá trình thực hiện công tác hòa giải, đối thoại đối với những vụ án dân sự, Hôn nhân và gia đình, lao động, kinh doanh thương mại, hành chính… để nâng cao chất lượng giải quyết các loại án, nhằm giảm số lượng vụ án phải đưa ra xét xử, hạn chế tối đa những mâu thuẫn, căng thẳng giữa các chủ thể tranh chấp. Với vai trò là người trung gian, người điều đình, người làm trọng tài, Thẩm phán Tòa án phải luôn biết chủ động, kiên nhẫn trong vai trò trung gian, phải là người trực tiếp giải thích cho đương sự, cho người dân những quy định của Nhà nước, của pháp luật và hướng dẫn họ làm theo trên tinh thần thật sự dân chủ để tìm ra những giải pháp tối ưu nhất.

Khi giải quyết các vụ án dân sự, việc có hòa giải thành được hay không phụ thuộc phần lớn vào công tác “Dân vận” của Thẩm phán, Thư ký…, phải luôn xác định các phương án hòa giải, thực hiện phương thức “Dân vận khéo” thể hiện từ việc bố trí phòng hòa giải, sắp xếp chỗ ngồi các bên đương sự, các nội dung cần trao đổi các nội dung yêu cầu các đương sự trình bày. Tránh tình trạng để người dân có ý kiến cho rằng Thẩm phán, Thư ký không công tâm, không khách quan, thiếu dân chủ khi hòa giải hay xét xử vụ án. Thẩm phán cũng phải biết chọn thời điểm tiến hành hòa giải theo từng loại vụ án và cần có sự tính toán kỹ lưỡng các phương án nhằm đảm bảo sự thành công của phiên hòa giải hay phiên tòa.

Muốn làm tốt công tác dân vận, Thẩm phán, Thư ký là người tiến hành tố tụng trong vụ án cũng cần phải tìm hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu, và cả những bức xúc của các đương sự để có phương thức giải quyết vụ án. Đồng thời phải biết cách chia sẻ, động viên và cảm thông đối với những bức xúc của đương sự, tạo điều kiện để đương sự phát huy quyền làm chủ của mình để từ đó, đương sự và công dân khi đến Tòa sẽ có được niềm tin vào Tòa án, nơi mang lại công lý, công bằng cho xã hội .

Trong xét xử các vụ án hình sự, công tác “Dân vận” cũng rất cần thiết, nó giúp Hội đồng xét xử tìm ra sự thật khách quan của vụ án thông qua quá trình vận động các bị cáo và người tham gia tố tụng khai trung thực những tình tiết của vụ án, đồng thời việc giáo dục, thuyết phục các bị cáo tại phiên tòa cũng góp phần hạn chế phát sinh tội phạm, giáo dục người dân thực hiện đúng các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công tác “Dân vận” trong quá trình xét hỏi và tranh luận tại phiên toà nhằm đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, của công dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong phạm vi cả nước cũng như ở từng địa phương, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Với đặc thù các loại vụ án của Tòa án nhân dân cấp tỉnh thụ lý và giải quyết hầu hết đều thuộc loại án khó, phức tạp, kéo dài; Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, các tranh chấp dân sự ngày một gia tăng với tính chất ngày càng gay gắt, phức tạp, thậm chí có những loại án mới, chưa có tiền lệ, chưa có luật điều chỉnh thì việc hòa giải, đối thoại thành còn là một giải pháp hiệu quả để tháo gỡ vướng mắc cho hệ thống Tòa án nhân dân trong giải quyết các loại án, qua đó góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội.

Nhờ chú trọng công tác hòa giải và “dân vận khéo” nên thời gian qua, tỉ lệ các vụ án tiến hành hòa giải, đối thoại thành của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn tăng theo từng năm: Năm 2020 đạt tỉ lệ 24.5%, năm 2021 đạt tỉ lệ 35.2%, 6 tháng đầu năm 2022 đạt ti lệ 61.5%. Điều này vừa giúp giảm áp lực trong giải quyết các vụ án, vừa giúp các đương sự giữ được mối quan hệ đoàn kết, đảm bảo lợi ích chính đáng theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chất lượng các vụ án được nâng cao; thời gian giải quyết, xét xử các vụ án giảm so với thời hạn luật định; đơn vị đã hạn chế được án hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán và không có án để quá hạn luật định.

Để có được kết quả đó, ngay từ đầu năm Đảng ủy, lãnh đạo cơ quan Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã quán triệt đến từng đảng viên, công chức, nhất là đội ngũ Thẩm phán, Thư ký phải chú trọng công tác hòa giải, công tác “dân vận khéo” trong việc thụ lý, giải quyết, xét xử các loại án. Vì vậy, trong quá trình giải quyết án, Thẩm phán, Thư ký Tòa án luôn xây dựng kế hoạch làm việc chủ động, khoa học, nghiên cứu kỹ từng tình tiết của vụ án để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các bên đương sự. Với vai trò là trung gian, Thẩm phán giải thích rõ các quy định của pháp luật khi thực hiện thủ tục hòa giải, giúp người dân hiểu rõ hơn quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp của mình. Khi các đương sự đã hiếu đúng, hiểu đầy đủ thì sẽ tạo được sự tự giác trong thực hiện, đồng thời củng cố được niềm tin của dân với Đảng với Nhà nước. Việc tuyên truyền, phổ biến, giải thích, giáo dục pháp luật cho Nhân dân thông qua các buổi hòa giải, đối thoại là một hình thức dân vận trực tiếp, hiệu quả nhất. Bởi điểm mấu chốt ở những vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình là do sự thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc thiếu sự thông cảm giữa các bên đương sự nên việc tăng cường công tác hòa giải là nhằm tạo sự đồng thuận và tự giải quyết của đương sự.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt công tác dân vận trong quá trình giải quyết các loại vụ án tại Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, cần tiếp tục triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Một là, Đảng ủy, chi ủy các chi bộ trực thuộctiếp tục quan tâm lãnh đạo sâu sát, toàn diện đối với công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án vì đây là cách thức giải quyết nhanh chóng và hiệu quả, góp phần nâng cao vị thế của Tòa án nhân dân trong công cuộc cải cách tư pháp.

Hai là, các cấp chính quyền cần có sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ để tạo cơ chế phối hợp trong tổ chức thực hiện việc xem xét thẩm định và định giá tài sản tranh chấp; trong tổ chức các phiên hòa giải ở địa phương để hoạt động hòa giải, xét xử của tòa án được thuận lợi hơn. Đồng thời, cần có sự quan tâm trong việc phân bổ, hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức công tác hòa giải, đối thoại của đơn vị.

Ba là, cần tổ chức tập huấn kỹ năng dân vận khéo cho đội ngũ thẩm phán, hòa giải viên nhằm nâng cao hiệu quả công tác hòa giải các vụ án dân sự tại tòa án và ngoài tòa án.

Có thể nói công tác dân vận của Tòa án nói chung và kỹ năng “Dân vận khéo” của đội ngũ Thẩm phán, Thư ký tòa án là chìa khóa mở ra khả năng hòa giải thành các vụ án dân sự giúp Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải quyết xét xử các vụ án nói chung và hòa giải thành các vụ án dân sự nói riêng; thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 04/2017/CT-TA ngày 03/10/2017 của chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc tăng cường công tác hòa giải tại Tòa án nhân dân.

Người tổng hợp: Triệu Thị Út Hiền


Ý kiến bạn đọc

0 Bình luận

Ý kiến bình luận

Đổi mã xác nhận

Các tin khác

Lượt xem: 1092